top of page

Paris Fashion Week 2018: Lối thoát hoàn mỹ khỏi thực tại

  • Elha Minh
  • Nov 8, 2018
  • 8 min read

Spring/ Summer 2019 Collection

Chính trị náo động, thiên tai tàn phá, nỗi sợ bùng phát chiến tranh, phân biệt chủng tộc, kinh tế lao dốc, chiến dịch vận động #metoo… Mỗi ngày chúng ta đều bị “khủng bố tinh thần” bởi hàng loạt tin tức tiêu cực không chỉ cách chúng ta vài bước chân trong khu vực mà trên cả toàn địa cầu. Đôi khi chúng khiến ta lao đao như đang sống trong một thế giới hỗn độn, đảo điên.


Những người ngoài ngành công nghiệp thời trang hẳn sẽ thắc mắc rằng: “Làm sao có thể nghĩ đến thời trang trong những thời khắc nước sôi lửa bỏng này?”. Câu trả lời thật chẳng dễ dàng. Thời trang được xem là “gã khổng lồ Goliath” trong nền kinh doanh thế giới. Theo thống kê của Statista, lợi tức của ngành may mặc Hoa Kỳ năm 2018 là 102.820 triệu đô. Chỉ số bán lẻ toàn cầu của hàng hóa cao cấp là 339,4 tỉ đô la (theo Fashion United). Nhưng bên cạnh giá trị kinh tế, ngành công nghiệp thời trang còn mang giá trị tâm lý – lối thoát khỏi thực tiễn tàn khốc.


Chanel Spring 2019


Không chỉ những show thời trang mang tính kịch nghệ mà kỹ thuật may đo thủ công và cách sử dụng màu sắc ấn tượng, hút mắt khó cưỡng đều mang đến nỗi hứng khởi và sự giải thoát viên mãn khỏi thực tại.


Cùng điểm lại những dấu ấn khó quên tại tuần lễ thời trang Paris với sự xuất hiện lần đầu tiên đầy tranh cãi từ nhà mốt Celine, sự đa dạng giới tính trên sàn diễn, khuynh hướng thoát ly hiện thực avant-garde và một kỉ nguyên vũ trụ hướng về tương lai tươi sáng.


CHƯƠNG MỚI CỦA NHÀ CELINE


BST ra mắt của Celine mang theo nhiều bình luận trái chiều. Ngay cả trước khi trình làng giới điệu mộ, Slimane cũng gây không ít tranh cãi khi thay đổi logo thương hiệu, bỏ dấu trên chữ “e” của Céline để tạo nên tỉ lệ đơn giản và cân bằng. Trong khi giới truyền thông, khách hàng và những ngôi sao nổi tiếng nóng lòng chờ đợi sự ra mắt của kỷ nguyên Celine dưới đế chế Hedi Slimane thì họ càng thất vọng khi nhận ra những phiên bản sao chép với mẫu thiết kế của chính ông tại Saint Laurent (2012 – 2016) và Dior Homme (2000 – 2007). Có người còn gọi BST này là “Saint Celine”.


Đối với nhiều người, việc tái định vị thương hiệu của Slimane đã tàn phá toàn bộ hình ảnh của Celine cũng như phá bỏ hết di sản sau một thập niên của Phoebe Philo – phong cách tinh tế, thông thái và thanh lịch mang hơi thở nghệ thuật đương đại. Những chiếc quần dài ống suông, áo choàng lụa, quần áo dệt kim và những đường cắt may ngẫu hứng đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là chiếc đầm da cực ngắn, chi tiết ánh bạc lấp lánh, tay phồng cực đại cảm hứng từ thập niên 80, với tông màu chủ đạo đen-trắng của phong cách glam-grunge và rock n’ roll. Có thể nói, những thiết kế này của Hedi chỉ dành cho những cô nàng tiệc tùng thâu đêm tại những tụ điểm thời thượng chứ không phải cuộc sống công sở bận rộn mà thương hiệu vốn được biết đến.


Các nhận định đều đang đi theo những cách phân định rất cũ về phụ nữ: phụ nữ đi làm và phụ nữ đi tiệc, phụ nữ bình thường và những cô người mẫu, phụ nữ bận rộn và những cô gái trẻ thích tiệc tùng, trang phục ban ngày và trang phục buổi tối, trang phục nam tính và trang phục nữ tính… Những ranh giới đã có cả thế kỷ nay. Những ranh giới làm cho người ta khó chấp nhận hơn sự thay đổi và những ranh giới thực ra là chuẩn mực để họ gọi một sự sắp đặt nào đó là nhất quán hay lộn xộn. – Elle Việt Nam (1/10/2018)



Khác với sự tôn vinh vẻ đẹp nữ tính của người tiền nhiệm, NTK Hedi Slimane mang đến một định nghĩa khác bằng những thiết kế menswear mạnh mẽ, trình diễn những bộ skinny pantsuit với đường may đo hoàn hảo. Điều này tạo nên phong cách unisex trứ danh đầy sáng tạo cho những cô nàng cá tính.


Cô gái Celine của NTK Hedi Slimane không có ranh giới nào giữa đêm và ngày: họ bước thẳng từ văn phòng đến một bữa tiệc tối; không có sự khác biệt giữa nam và nữ, họ mạnh mẽ, tự tin trong bộ suit nam, là chỗ dựa cho người đàn ông của mình khi anh ấy (có đôi khi) cần được yếu đuối. Và hơn cả, đúng như Bernard yêu cầu, cô gái Celine không chỉ là người phụ nữ trên dưới 30, hay bất kỳ độ tuổi hay ngành nghề nào: miễn là họ bản lĩnh, tự tin làm chủ cuộc sống của mình, biết mình muốn gì và biết làm mình vui. - Elle Việt Nam (1/10/2018)


Với việc tạo ra một cuộc cách mạng cho thương hiệu, khó có thể khẳng định liệu những khách hàng trung thành của Celine sẽ tiếp nhận tầm nhìn mới này của nhà mốt hay sẽ là những khách hàng cũ của Slimane từ nhà Saint Laurent. Chỉ thời gian mới có thể trả lời!


KỈ NGUYÊN ĐA GIỚI TÍNH


Khi đề tài về phân định giới tính ngày càng được đẩy lên cao thì các nhà thiết kế đã dần tiếp cận những hướng đi mới và xây dựng thương hiệu mở rộng hơn với những trang phục dành cho cả nam và nữ, tuyển những người mẫu chuyển giới, và thậm chí trình làng những bộ sưu tập unisex.


Givenchy dưới sự dẫn dắt của Clare Waight Keller đã lấy cảm hứng hình ảnh nhà văn và cũng là nhà thám hiểm phá giới (gender-bending) Annemarie Schwarzenchbach của thập niên 30. Keller sử dụng những người mẫu với kiểu đầu cắt ngắn nam tính trong chiếc áo khoác da Perfecto đóng thùng cùng kiểu quần quân đội, hay kết hợp giữa phần gấu áo tua rua lấp lánh cùng quần cargo túi hộp, hay trình diễn những chiếc đầm thanh lịch với đường nếp gấp bất cân xứng và phần vai độn cứng cáp. Họa tiết in trên trang phục là những kiểu in hoa hình học kỹ thuật số tạo cho phần eo thon gọn, làm nổi bật hình dáng cơ thể đồng hồ cát. Tất cả tạo nên diện mạo hoàn hảo cho những cô nàng công sở thời thượng.


Haider Ackermann thể hiện sự tinh tế không gắng gượng của mình khi mang đến những thiết kế suit sắc sảo với màu sắc rực rỡ, những chiếc áo dáng hộp với họa tiết cắt laser tinh xảo cùng những thiết kế pyjama vạt chéo. Show trình diễn được xây dựng đan xen theo cặp ba người mẫu nhằm nhấn mạnh tính song hành đa giới tính của bộ sưu tập, với hiệu ứng làn khói mờ như xóa nhòa ranh giới của giới tính, nhấn chìm vào cõi sương mơ mộng. Nàng thơ của Haider – Tilda Swinton đã nói: “Như bất cứ người khôn ngoan nào, Haider chẳng việc gì phải bận tâm về giới tính. Ông chỉ mặc trang phục lên cho họ thôi, vì thế chẳng cần phải tranh cãi”.





XU HƯỚNG AVANT-GARDE


Qua mỗi mùa, những thiên tài thiết kế avant-garde đều khiến giới điệu mộ ngả ngửa khi dẫn dắt người xem đến những chuyến hành trình đầy mới lạ với những bộ sưu tập dí dỏm, mang tính khiêu khích, châm chọc hay đầy tính trí tuệ và tinh tế.


Rei Kawakubo của Comme des Garcons cũng dành nhiều tâm trí khi tư duy về giới, đặc biệt là những suy nghĩ của chính bà với tư cách là người phụ nữ về sự đổi thay của tuổi tác và hình dáng cơ thể.


BST gợi nên hình ảnh về cuộc nội chiến tâm lý sâu sắc với phong cách trừu tượng, giải phóng khuôn mẫu cơ thể bằng những phần độn to bản. Trên sàn diễn, những người mẫu đội tóc giả trắng, một số được gắn thêm phần bụng bầu, phô ra bởi đường khóa kéo giữa bụng của áo khoác và quần. Những chiếc áo frock dài che phủ qua phần bướu ghồ ghề nhô ra từ hông mang đến cảm giác về nỗi thất vọng với hình thể của nhiều phụ nữ. Người xem dường như cảm nhận được cuộc đấu tranh tâm lý nặng nề qua những thiết kế với nửa thân trên phần vai được cắt rời, như thể da thịt họ bị bóc sờn bởi những hạn chế ràng buộc về cơ thể. Lớp váy bên dưới được trói buộc bằng dây xích nặng nề đính trên thân và tay áo, phát ra tiếng loảng xoảng như phạm nhân trên mỗi bước đi.



Có ai ngờ rằng chiếc váy tulle trắng kiêu sa lại đi kèm với quần jeans “chắp vá” bụi bặm? Hay chiếc đầm dạ hội lại may cùng quần yếm? Nhà thiết kế người Nhật Junya Watanabe đã kết hợp hai thế mạnh của mình: kĩ thuật may vá vải denim và chế tác váy thủ công. Như nhóm thiết kế của ông gọi là: “cảm xúc lãng mạn trong nhạc rock”.


Khi bản hit của ban nhạc huyền thoại Queen "Somebody to Love" từ thập niên 70 phát lên, cảm xúc về BST như được đẩy cao thêm khi cùng lúc được chiêm ngưỡng kỹ thuật thiết kế đầy ngẫu hứng của Watanabe. Như thể chính ông cũng vừa nghe giọng hát nội lực của Freddie Mercury vừa cắt xén từng mảng miếng denim khác nhau để chắp vá chúng lại, xé toạc những đường may bất định để tạo nên chiếc váy bất cân xứng. Hiệu ứng 50-50 được Watanabe tận dụng tối đa cho sự sáng tạo khi một bên là chiếc váy tulle bồng bềnh, một bên lại may vào ống quần jean, hay đính thêm chi tiết đuôi cá xòe vào phần trước váy denim. Khó có thể xác định được đó là cảm xúc thăng hoa, sự căm phẫn ngông cuồng hay trí tuệ thiên bẩm của ông. Chính bởi sự khó nắm bắt ấy mà phải nhìn ngắm từ mọi góc độ mới thấy được trọn vẹn từng bộ trang phục.


Rick Owens Spring 2019

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN


Tuần lễ thời trang sẽ không thể nào trọn vẹn nếu thiếu đi những cảm hứng lãng mạn. Vẻ đẹp nữ tính toát lên từ nét nhấn nhá tinh nghịch với vải tulle cho đến sự quyến rũ cổ điển của họa tiết floral. Mỗi thứ “gia vị” lãng mạn ấy được thêm thắt với “liều lượng” vừa đủ tài tình để tạo ra những trang phục đầy hấp lực lãng mạn mà cũng đầy bỉ ẩn.

Giambattista Valli Spring 2019

Ann Demeulemeester Spring 2019


Valentino Spring 2019

Christian Dior Spring 2019


VƯƠN KHỎI VŨ TRỤ


Ở một hành tinh xa xôi, có những nhà thiết kế đã vượt ra khỏi ranh giới địa cầu để sáng tạo ra những trang phục bức phá không gian và thời gian.

Balmain Spring 2019

Louis Vuitton Spring 2019

Gucci Spring 2019

Isabel Marant Spring 2019

Elha Minh

Tham khảo: University of Fashion, Vogue.com


Comments


bottom of page