top of page

Arts x Fashion: Gucci phủ kín kinh đô thời trang với các bức tường nghệ thuật

  • Minh Elha
  • Aug 5, 2018
  • 9 min read

Nếu phải mô tả giám đốc sáng tạo Alessandro Michele của Gucci cho một người lạ, thì phải nói ông là một mafiaso của làng thời trang Ý, một phiên bản của Banksy, và là một tên tâm thần kỳ quặc. Có lẽ đó là lý do vì sao tác phẩm của ông lại được đón nhận nồng nhiệt trong một thế hệ không tin vào giá trị thương hiệu. Michele luôn nhìn thấy mọi khía cạnh nghệ thuật trong vương quốc thời trang với góc nhìn mới lạ và mang đến cho nó một nhân cách lạ thường – một chút quái dị và một phần khéo léo.

Dự án Gucci Art Walls được khởi động từ năm 2017 là sự hợp tác giữa Gucci và các nghệ sĩ thiết kế để mang đến bữa yến tiệc thịnh soạn mà thực phần là những tác phẩm nghệ thuật đương đại cho công chúng trên khắp các kinh đô thời trang.

GUCCI x JAYDE FISH: THE FIRST ART WALL (2/2017)

Trên bức tường hơn 700 mét vuông giữa phố Lafayette của New York xuất hiện tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ người San Francisco – Jayde Fish. Bức tranh có tên gọi “The Hermit” (tu sĩ) mô tả một người phụ nữ trên chuyến hành trình giữa không trung, nhìn vào vô định với chiếc kính hiển vi của mình.

//

GUCCI x ANGELICA HICKS:

KICK OFF LIMITED EDITION T-SHIRT (8/5/2017)

Mối liên hệ giữa Gucci với thế hệ Millennials và giới điệu mộ vẫn không dừng lại. Sau khi hợp tác trong chiến dịch #TFWGUCCI (That Feeling When Gucci) cho dòng đồng hồ Le Marché des Merveilles, nữ nghệ sĩ Angelica Hicks lại tiếp tục bắt tay trong kế hoạch mới cho nhà Florentine. Alessandro Michele đã phát hiện ra các tác phẩm của Angelica trên Instagram và ngay lập tức bị mê hoặc bởi cách tiếp cận đầy chất nghệ thuật mang xu hướng châm biếm của cô.

Dự án Gucci Art Walls lần này mở rộng với hai bản vẽ của Angelica Hicks: Một bức sẽ nằm ở cùng địa điểm với bức họa đầu tiên ở Manhattan, trong khi bức kia sẽ được hoàn thành đồng thời trên bức tường ở Largo la Foppa của Milan, trong khu phố đi bộ sôi động của Corso Garibaldi.

Tác phẩm của Angelica Hicks ở New York với 2 chiếc áo Gucci đặt trên nền kẻ sọc

Bức tranh đặt trên tòa nhà trung tâm trên phố đi bộ Corso Garbaldi của Milan với hình ảnh hai cô gái trong trang phục của Gucci và dòng chữ “Freaks and Geeks”.

Đây là một phần của chiến dịch cho dòng áo thun phiên bản giới hạn với 11 thiết kế và chỉ bán 1100 chiếc (100 chiếc cho mỗi thiết kế) trên toàn thế giới. Những chiếc áo thun này được đóng gói trong hộp kim loại mang phong cách vintage, có hình tương tự như thiết kế của áo bên trong. Mỗi chiếc áo sẽ được gói bằng giấy màu và gấp quanh một mảnh bìa cứng – theo cách đóng gói áo sơ mi truyền thống. Tuy nhiên, chiếc bìa cứng chính là hình cắt thu nhỏ của tất cả bản thiết kế trong bộ sưu tập để khách hàng có thể tách ra và sử dụng như vật trang trí. Ngoài ra còn có một tấm thẻ giải thích tính độc quyền của BST trong chiến dịch #GucciGeeks.

//

GUCCI x IGNASI MONREAL: DEBUT IN SHANGHAI

Là bức tranh tường thứ 5 của chiến dịch Gucci Art Wall, tác phẩm nghệ thuật khổng lồ của Ignasi Monreal đặt trên một tòa nhà lịch sử gần phố Nanjing nhộn nhịp như một nét nhấn nhá sinh động đã làm sống dậy cả “khu đô thị bê tông” và mang đến cho trung tâm thành phố Thượng Hải một môi trường thân thiện.

Thương hiệu cao cấp của Ý đã giới thiệu một bức tranh đầy lãng mạn của thế giới phương Đông huyền bí, trong đó chiếc túi xách Gucci có hình dáng của chiếc bánh bao Trung Hoa, được bao quanh bởi vườn hoa sặc sỡ. Nhà thiết kế người Tây Ban Nha Ignasi Monreal cho biết bánh bao, hoặc jiaozi, đại diện cho "Trung Quốc thuần khiết" và là nguồn cảm hứng tạo ra một khu vườn bí mật trong trí tưởng tượng của mình.

//

GUCCI x IGNASI MONREAL:

CELEBRATE GUCCI BLOOM FRAGRANCE (9 – 11/2017)

Ngồi giữa phố Garibaldi và Moscova của Milan, chính xác hơn là ở Largo La Foppa, chưa kịp hớp một ngụm cà phê trong quán Radetzky Café, đôi mắt của một du khách xa lạ đã phải dán chặt vào bức tường 176 mét vuông đối diện nơi tấm vải canvas đang căng dài trải rộng.

Bức tranh của nghệ sĩ Ignasi Monreal tái hiện một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, bao phủ bởi những bông hoa và sắc xanh thanh mát. Tác phẩm như một bức bích họa fresco về một khu vườn trong ngôi biệt thự Ý điển hình. Ở phần dưới của bức tranh là chai nước hoa Gucci Bloom với hộp bao bì và mảnh khuôn mặt của một bức tượng lộn ngược với một bó hoa mọc lên từ đó, tượng trưng cho nguồn cảm hứng khởi thủy của việc sáng tạo ra hương thơm.

//

GUCCI x IGNASI MONREAL:

GIFT GIVING CAMPAIGN – GUCCI EYEWEAR (12/2017)

Nếu chưa tìm được món quà ưng ý cho kì nghỉ lễ lớn nhất năm thì hãy thử giương mắt nhìn lên, bạn sẽ thấy những bức họa tường bắt mắt như chính bộ sưu tập trang sức Gucci Eyewear được thực hiện bởi họa sĩ người Tây Ban Nha.

Gucci Art Wall ở Largo La Foppa, Milan thể hiện hình ảnh người phụ nữ trong chiếc áo thun in hình chân dung của chính cô đang đeo kính mát pha lê Hollywood Forever của BST Gucci Eyewear.

Tác phẩm nghệ thuật thứ hai nằm trên phố Lafayette của New York khéo léo đặt kính mát pha lê có ống kính màu hồng đối nghịch trong không gian tĩnh của những ly rượu vang.

//

GUCCI x IGNASI MONREAL:

SPRING/SUMMER 2018 CAMPAIGN - #GUCCIHALLUCINATION

Mối “nhân duyên” đầy sáng tạo giữa Ignasi Monreal với giám đốc sáng tạo Alessandro Michele và nhà mốt Gucci vẫn không ngừng phát triển. Kể từ chiến dịch #GucciGram đầu tiên với Gucci vào năm 2015, Monreal đã cho thấy một phong cách thẩm mỹ siêu thực kiến tạo từ kỹ thuật số - một sự pha trộn hiện đại giữa trào lưu nghệ thuật Tiền Raphael (Pre-Raphaelite Brotherhood) và phong cách De Chirico — là sự đồng vận với tầm nhìn đương đại mới đầy tính cởi mở của Gucci.

Bức họa tường 760 mét vuông ở New York là hình ảnh của hai người phụ nữ đeo kính mát từ BST mới của Gucci đặt trong hai vòng tròn với các họa tiết trang trí sắc sảo đã thu hút ánh nhìn của những người qua đường.

Ở Milan, Ignasi Monreal đã lấy cảm hứng từ bức tranh "Khu vườn hưởng lạc trần tục" (The Garden of Earthly Delights) của Hieronymus Bosch (1490-1500) và cặp đôi trong bức tranh “Chân dung Arnolfini” (The Arnolfini Portrait) của Jan van Eyck (1434) để tạo ra một bức họa tường xuất chúng vượt kỉ nguyên.

Trên bức tường ở phố Brick Lane nổi tiếng của Đông London, tác phẩm của Ignasi Monreal về người phụ nữ trên ghế sofa mang nét pha trộn màu sắc cá tính riêng biệt. Đây là bức đầu tiên ra mắt ở nước Anh, lấy cảm hứng từ bức tranh “Chân dung của Señora de Garay” (Portrait of Señora de Garay) bởi Ignacio Zuloaga y Zabaleta và “Rapunzel”, câu chuyện cổ tích của Đức về nàng công chúa tóc mây.

Trong chiến dịch này, Gucci cũng cho ra mắt bức họa tường đầu tiên ở Hongkong đặt tại đường D’Anguilar của khu trung tâm Lan Quế Phường (Lan Kwai Fong). Phản chiếu rõ nét phong cách siêu thực lãng mạn của nghệ sĩ người Tây Ban Nha, tác phẩm mô tả hình ảnh ba người phụ nữ đang “câu” máy bay từ trên tầng mây. Họ đang mặc trang phục và đeo trang sức, phụ kiện túi từ BST Xuân Hè với họa tiết logo GG sọc lưới đặc trưng.

Chiến dịch #GucciHallucination – nằm trong BST Xuân Hè 2018 của Gucci gồm 9 áo thun và 9 sweatshirt in hình tác phẩm nghệ thuật mang phong siêu thực lãng mạn của Monreal được sản xuất với số lượng giới hạn (200 áo thun và 100 sweatshirt cho mỗi thiết kế).

//

GUCCI PRE-FALL 2018 CAMPAIGN - #GUCCIDANSLESRUES

Thời trang luôn là bản hợp âm về dòng chảy ngầm mang ý thức của thời đại. Và khi những thời điểm đó chín muồi bởi những xích mích, xung đột và kháng cự, cả thế giới dường như chỉ cách năm phút mở cửa sổ để hét lên câu thoại nổi tiếng từ bộ phim Network kinh điển năm 1975, "Tôi điên rồi và tôi sẽ không chịu đựng thêm nữa." (I'm mad as Hell and I'm not going to take this anymore)

Vị giám đốc sáng tạo Alessandro Michele của Gucci đã nhận ra khoảnh khắc đó và nắm lấy toàn bộ sức mạnh sục sôi của một cuộc nổi dậy cho chiến dịch Pre-Fall 2018 của mình. Biết rõ rằng đôi khi để tiến về phía trước người ta phải nhìn lại, Michele cùng với nhiếp ảnh gia Glen Luchford và giám đốc nghệ thuật Christopher Simmonds, đã quay ngược thời gian 50 năm về thời điểm cuộc biểu tình của sinh viên nổ ra trên các khuôn viên của trường đại học tại Paris.

“Dan Les Rues” là tên gọi của chiến dịch với ý nghĩa cùng nhau xuống đường. Mùa xuân năm 1968, giới sinh viên học sinh Pháp và châu Âu đã nổi loạn xuống đường biểu tình phản đối xã hội, đốt xe, đập phá hàng quán, và xung đột với các lực lượng an ninh cảnh sát nhằm chống chính phủ, chống chế độ phụ quyền, và truyền thông … khát khao một sự thay đổi trong các mối quan hệ xã hội. Những hành động nổi loạn của sinh viên Paris có ảnh hưởng phi thường đến không chỉ toàn bộ nước Pháp, mà trên cả thế giới.

Bức ảnh chụp bởi Glen Luchford về những kẻ nổi loạn trẻ tuổi đang chiếm đóng một khuôn viên của trường đại học trong tư thế lạc quan và đầy tham vọng. Không sợ bộc lộ bản thân, họ đoàn kết với nhau nhằm khát khao đổi mới và thiết lập lại. Gucci Art Wall đặt tại Milan, New York và London.

Tác phẩm đặt tại Lan Kwai Fong cũng nằm trong chiếc dịch Pre-Fall 2018, trình diễn bộ trang phục và các trang sức từ nhà mốt Gucci.

//

GUCCI x ALEX MERRY:

GUCCI DÉCOR IN LONDON, NEW YORK, MILAN, SHANGHAI & HONG KONG

Gucci Decór Art Wall ở London

Những bức tranh về BST nội thất đầu tiên của Gucci mang tên “Gucci Décor” được vẽ bởi nghệ sĩ minh họa Alex Merry. Các tác phẩm là sự kết hợp giữa gu thẩm mỹ đặc trưng của Merry và những sản phẩm mới trong dòng Gucci Décor: nến thơm trong lọ sứ, những chiếc bình với tay cầm hình rắn, bộ ấm chén bằng sứ được sản xuất bởi Manifattura Richard Ginori với hoa văn Herbarium, những chiếc gối đệm có hoạ tiết GG hay hình thú đặc trưng trên chất lụa dệt.

Gucci Decór Art Wall ở Milan và Hongkong (swipe để xem)

Gucci Decór Art Wall ở New York và Thượng Hải

//

GUCCI X CHIME FOR CHANGE: #WORLDREFUGEEDAY

Trải dài khắp 5 kinh đô thời trang là những bức tường nghệ thuật đầy màu sắc được vẽ nên từ ước mơ của những đứa trẻ, phụ nữ và gia đình tị nạn.

Gucci Art Wall ở New York vào #WorldRefugeeDay

Vào ngày Tị nạn thế giới #WorldRefugeeDay 20/6, Gucci cùng CHIME FOR CHANGE đã hợp tác với Artolution để truyền tải những thông điệp đầy ý nghĩa nhằm khuyến khích những thay đổi tích cực trong xã hội.

Artolution là một tổ chức phi lợi nhuận mang những tác phẩm nghệ thuật công cộng đến những cộng đồng tị nạn đang chịu nguy hiểm và các dự án nghệ thuật tương tác nhằm thúc đẩy hòa giải, chữa lành và hòa nhập. Những mục tiêu và triết lý của họ đồng nhất với mong muốn của Gucci về củng cố quyền lực và công bằng trong xã hội thông qua sự tự thể hiện bản thân và bình đẳng giới.

Gucci Art Wall ở Hongkong và Milan vào #WorldRefugeeDay (swipe để xem)

Gucci Art Wall ở Thượng Hải vào #WorldRefugeeDay

Gucci Art Wall ở London vào #WorldRefugeeDay

Khắc họa hình vẽ của khuôn mặt và hình người, những bức tranh mang đến thông điệp về giải quyết vấn nạn liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực trong băng đảng và sự thanh trừng.

Nguồn:

WWD, Vogue France, The Lia Project, Velvet Magazine, The Impression


Comentarios


bottom of page